Diễn biến Sự_biến_cầu_Lục_Bộ

Hậu cung can thiệp

Hoàng hậu Dương thị xuất thân thấp hèn, nhưng được Ninh Tông sở ái. Sau khi Cung Thục hoàng hậu qua đời (1200), Dương thị được phong làm Quý phi. Bấy giờ chỉ có Dương quý phi với Tào mĩ nhân có cơ hội trở thành kế hậu. Hàn Thác Trụ cho rằng Dương Quý phi xảo quyệt, một khi nắm quyền sẽ thao túng triều cương gây bất lợi cho mình, nên muốn lập Tào mĩ nhân. Nhưng Ninh Tông không theo, vẫn quyết ý lập Dương Quý phi làm Hoàng hậu. Cho nên Dương hậu rất oán hận Hàn Thác Trụ[7].

Về mối quan hệ giữa Dương hậu với Sử Di Viễn, người đương thời cho rằng giữa họ qua lại mật thiết, như có Dương Thăng đời Tống có câu rằng: Đêm nay Lão thiềm làm quan nơi cung nguyệt, có ý châm chọc việc tư thông của Dương hậu với Di Viễn, nhưng chính sự không chính thức ghi lại[8].

Việc Sử Di Viễn dâng sớ tố cáo cũng là được Dương hậu giật dây phía sau. Hậu lại sai nghĩa tử của mình là Vinh vương Nghiễm[9] dâng sớ đàn hặc Thác Trụ. Hoàng tử ngày trước cũng không được Thác Trụ ủng hộ, nên ra sức nói xấu Thác Trụ, nhưng nhà vua không trả lời. Hoàng hậu cũng ra sức nói hùn vào, Ninh Tông mới có ý lay động[5]. Hậu xin cho anh trai mình là Dương Thứ Sơn cùng với quần thần giết Thác Trụ, nhà vua cho phép. Dương hậu báo cho Dương Thứ Sơn, Thứ Sơn báo cho Sử Di Viễn, Di Viễn có mật chỉ, bèn triệu Tiền Tượng Tổ về kinh. Tượng Tổ ngày trước vì việc can gián mà bị Thác Trụ đày đi xa, nên rất oán hận. Tượng Tổ nói với Tham chính là Lý Bích. Việc đi lại của Sử Di Viễn cũng đến tai của Thác Trụ. Thác Trụ hỏi Lý Bích rằng có người đang tính thay đổi cục diện. Lý Bích hoảng sợ, chối là không có việc đó, rồi báo với Sử Di Viễn. Di Viễn bàn với Trương Từ, quyết định nhanh chóng hạ thủ Hàn Thác Trụ.

Hành động

Tối ngày 2 tháng 11 ÂL (23 tháng 11) năm thứ hai Khai Hi (1207), Sử Di Viễn xin được chỉ của Dương hậu, cầm hổ phù điều động cấm quân. Lại lệnh cho Tiền Tượng Tổ triệu chủ quản cung điện Hạ Chấn, bộ tướng Đặng Phát, Vương Bân phục quân ở cầu Lục Bộ để giết Thác Trụ. Tối hôm đó cũng là sanh thần của Thác Trụ, trong phủ yến ẩm thâu đêm suốt sáng. Người thân tín của Thác Trụ là Chu Quân báo về biến cố, Thác Trụ không thèm để ý đến, ném luôn mảnh giấy vào lò lửa[1]. Sáng hôm sau khi Thác Trụ lên xe vào triều, Chu Quân lại ra can ngăn nhưng Thác Trụ không nghe.

Xe của Thác Trụ đến cầu Lục Bộ, thì thấy cấm quân sắp hàng đợi sẵn. Thác Trụ hỏi là có việc gì, Hạ Chấn tuyên bố có chiếu bãi chức Thái sư, rồi lệnh cho Trịnh Phát, Vương Bân bao vây đoàn người của Thác Trụ, rồi tuyên đọc chiếu chỉ bãi chức của Thác Trụ cùng với Hữu tướng quốc Trần Tự Cường. Khi chiếu chỉ còn chưa đọc hết thì Hạ Đình đã dùng gậy sắt đánh mạnh vào lưng của Thác Trụ nhưng Thác Trụ không hề bị thương vì có giáp mềm chống đỡ. Hạ Đình bồi thêm nhiều nhát nữa thì Thác Trụ chết hẳn. Đó là ngày Ất Hợi tháng 11 ÂL năm Khai Hi thứ hai, tức 24 tháng 11 năm 1207. Hàn Thác Trụ cầm quyền 14 năm, thọ 56 tuổi[1].

Lúc đó Sử Di Viễn đợi tin tức ở triều môn, đã lâu, bắt đầu lo sợ muốn cải trang bỏ trốn; thì Hạ Chấn đến báo việc đã xong. Hạ Chấn tuyên chiếu giết Tô Sư Đán, bãi chức Hữu thừa tướng của Trần Tự Cường, đày gia thuộc của Thác Trụ ra Lĩnh Nam... Sử Di Viễn cùng Tiền Tượng Tổ vào điện Diên Hòa tâu việc giết Thác Trụ, nhưng Ninh Tông vẫn không tin. Mãi đến khi chắc chắn là Thạc Trụ đã chết, Ninh Tông mới dám cầm bút tuyên chỉ bố cáo tội ác của Thác Trụ ra bên ngoài, tịch biên gia sản, thê thiếp con cái bị lưu đày, giết Tô Sư Đán, đày bọn Quách Nghê, Quách Soạn, Đặng Hữu Long. Một loạt đại thần có liên can cũng bị mất chức, trong đó có cả Lý Bích[5].

Nguyên là Ninh Tông ở trong cung, được tin Thác Trụ nguy khốn, vội sai người đi đón thái sư. Dương hậu vội chạy ra ngăn cản, khóc mà nói rằng

Nếu Bệ hạ muốn đón thái sư thì xin cho nô tì chết trước đã.

Ninh Tông vì những giọt nước mắt của Dương hậu mà rút lệnh. Sách Tống cung mười tám triều ghi lại lời trích dẫn về sự kiện này như sau

Nửa đêm cung khuyết dùng hổ phù/Giáp mềm liệu được mấy công phu/Cửu trùng nhìn lệ đành rút lệnh/Mất nước ai thương Triệu Nhữ Ngu[10].